GIÁO DỤC bằng UY QUYỀN hay TÌNH YÊU?

  • Admin |
  • 17-09-2019 |
  • Giáo Dục ,

Người lớn nếu không hiểu rõ được những định đặt mà xã hội đã áp lên mình thì sẽ không bao giờ có thể giáo dục được trẻ em. Họ sẽ lại tiếp tục áp đặt lên các em những nỗi sợ hãi đã ngấm vào huyết quản của họ – những nỗi sợ không được nhận diện. Họ hành xử theo một khuôn phép mà chưa từng truy vấn về việc tại sao họ lại làm như vậy, và họ muốn các em cũng hành xử như thế.

Một việc rất nhỏ và thông lệ: lời chào, cảm ơn, xin lỗi. Bao nhiêu người trong xã hội thực sự chào nhau bằng sự tôn trọng, nói lời cảm ơn trong sự biết ơn sâu sắc, và nói lời xin lỗi bằng sự sám hối chân thật? Người ta chỉ nói vì khách khí với nhau, vì giữ hình ảnh lịch thiệp cho mình. Họ nghĩ như vậy là tốt, nên họ dạy các em những thói quen ấy, chỉ cần các em thực hành như một thói quen là đủ. Họ cho rằng thói quen này thể hiện sự tôn trọng người khác và để người khác tôn trọng mình. Họ sợ một đứa trẻ không biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi sẽ sống vô cảm, sẽ bị tẩy chay bởi “văn minh”, họ sợ người ta đánh giá cách giáo dục của họ. Thói quen được áp đặt trước khi có nhận thức thực chất là một cản trở, khiến các em thực hiện như một cỗ máy mà không cần biết ý nghĩa của việc mình làm, nó chỉ khiến các em trở nên ngu si, nó tô vẽ cho cái bản ngã của các em vì các em được dạy rằng em cần phải tỏ ra lịch sự thì mới được tôn trọng.

Dạy trẻ về sự tôn trọng, điều đầu tiên buộc phải có là sự tôn trọng của ta đối với trẻ. Uy quyền mà ta thị hiện trước trẻ chỉ khiến dập tắt sự tôn trọng của trẻ đối với ta. Giáo dục trong tình yêu thương và trí tuệ sẽ không cần đến uy quyền. Người lớn chỉ cần quan sát trẻ để hiểu được những cảm xúc, hành vi, khuynh hướng của trẻ, và giúp chúng hiểu được những thứ đó đang diễn ra trong chúng như thế nào. Khi hiểu chính mình, trẻ sẽ trước hết tôn trọng mọi thứ đang diễn ra trong mình, và sự tôn trọng dành cho người khác chỉ là điều hiển hiên sẽ có, chẳng cần chỉ dạy gì thêm.

Người ta thường sợ phải đối diện với một đứa trẻ ương bướng, vì họ sợ phải đối diện chính những xung đột bên trong mình. Xung đột giữa những điều họ đã từng được dạy, những ảnh hưởng từ xã hội với những mong muốn sâu thẳm trong họ. Họ chưa bao giờ được chấp nhận thực tại về chính họ mà luôn được giáo huấn về một ai đó mà họ nên là: một người con hiếu nghĩa, một học trò ngoan, một người thành đạt, một người có uy quyền, một người giàu có, một người đạo đức… Họ được dạy cách để vun đắp cái bản ngã, cho rằng bản ngã là quan trọng cốt yếu, không một nền giáo dục nào dạy họ cách để hiểu về thực tại của chính mình, về những gì đang diễn ra trong mình, về cách để vun xới những điều tốt đẹp đang nảy nở, về cách để điều khiển được những mong muốn có phần thái quá của mình.

Chừng nào trẻ chưa hiểu được ý nghĩa của việc trẻ làm thì mọi uy quyền, thưởng phạt, nguyên tắc, kỷ luật chỉ là những thứ khiến cho trẻ trở nên lệch lạc trong việc xác định mục tiêu. Phần thưởng và sự sợ hãi sẽ trở thành mục tiêu của trẻ thay vì sự hiểu biết mới là mục tiêu chân chính. Một đứa trẻ sẽ chào hỏi người khác khi em muốn bộc lộ sự tôn trọng của mình, muốn biết việc bộc lộ sự tôn trọng sẽ mang đến cho em và người khác điều gì, thì nay lại chào hỏi vì được khen ngoan, được người khác yêu quý, hoặc vì sợ bị trách phạt.

Chưa bao giờ tôn trọng trẻ thực sự, đừng mong sẽ giáo dục được trẻ một cách chân chính.