Con người ngày nay, người nào cũng có thể nói ra rả những lời hay ý đẹp, ngỡ như là họ đã biết cái hay cái đẹp ấy, đã có trong mình cái hay cái đẹp ấy, đã trở thành cái hay cái đẹp ấy. Thế mà cuộc sống của tất cả lại ngày càng trở nên tăm tối, khó khăn…
Vấn đề chính là, họ chỉ có thông tin, chứ không hề biết cái hay cái đẹp ấy.
Nếu cho rằng có thông tin tức là biết, thì cuốn sách, cái thẻ nhớ, cái ổ cứng… có biết nhiều hơn con người không? Và như thế thì cuốn Kinh Thánh, Kinh Phật, cái băng Cassette có phải là một bậc Đại Trí Đại Đức để con người kính ngưỡng và thờ lạy hay không? Việc in những lời hay ý đẹp lên một tập giấy có dễ dàng và hiệu quả hơn việc tu tâm sửa tính cực nhọc hàng chục năm hay không?
Có vị sư nào, vị cư sĩ nào muốn hóa thân thành tập giấy để người ta viết hết các kinh điển lên hay không? Rồi sau đó tự cho rằng mình đã Đắc Đạo hay không?
Rồi thế nào là thông tin?
Một cuốn sách có thể ghi chép tường minh và đủ đầy về sự chuyển động của một nguyên tử hay không? Sự ghi chép đó có chứa lượng thông tin bằng sự hiện hữu của chính nguyên tử ấy không? Nguyên tử ấy tạo ra sức hút/ đẩy với những nguyên tử khác và với toàn bộ đối tượng trong vũ trụ này thì nó có chứa lượng thông tin bằng khắp vũ trụ này hay không?
Thế nên, nếu cho rằng có thông tin tức là biết, thì toàn bộ tri thức của nhân loại không bằng lượng thông tin chứa trong một nguyên tử nhỏ bé bất kỳ.
Trong khi đó, mỗi con người lại là sự hợp thành của triệu triệu nguyên tử, mà lượng thông tin lại chẳng bằng một góc nhỏ của một nguyên tử. Nên, nói rằng hình thái tồn tại của con người là một hình thái ngu si và thiểu năng thì có gì là sai?
Rồi thế nào là có?
Ta có hàng ngàn cuốn sách, mỗi cuốn sách có hàng triệu thông tin. Như vậy là ta đã có hàng tỷ thông tin chăng? Nếu nói là ta có, vậy ta cất nó ở đâu trong ta?
Trong ai cũng có một vị Phật, vị Phật ấy trí tuệ vô thượng, hiểu biết trùm khắp pháp giới. Vị Phật ấy có ở trong ta mà sao ta lại không có trí tuệ vô thượng, không có hiểu biết trùm khắp pháp giới?
Thế thì có thực sự là trong ta có một vị Phật hay không?
Có thực có một trạng thái gọi là có hay không?
…
May cho con người, vì Biết vốn không phải là có thông tin.
Biết là khi một Bản thể Linh Giác hội hợp với một đối tượng/ thực thể để chứng nghiệm trọn vẹn trạng thái tồn tại/ hiện hữu của đối tượng/ thực thể ấy. Thứ mà con người đang tưởng là “biết” kia, chẳng qua chỉ là khi Bản thể Linh Giác hội hợp với các norron trong não để chứng nghiệm sự tồn tại/ hiện hữu của norron ấy – thứ mang một lượng thông tin định danh – nhỏ bé và xơ xác – về thế giới hiện tượng.
Hãy quan sát xem, có phải thực sự bạn chỉ đang chọn một vài norron trong một bộ não – thứ nó nói rằng nó là bạn/ là của bạn – để hội hợp, để qua đó chứng nghiệm một vài thông tin định danh hay không?
Tại sao bộ não lại khẳng định rằng nó là bạn? Phải chăng là nó đang muốn có bạn/ sở hữu bạn/ giam giữ bạn chăng? Nó sở hữu bạn hay bạn sở hữu nó?
Hãy quan sát xem, khi bạn chứng nghiệm norron định danh “hạnh phúc” trong não, bạn có chứng nghiệm sự Hạnh phúc hay không? Hay chỉ chứng nghiệm những thông tin định danh không hề có một sắc thái cảm xúc?
Norron ấy biết thế nào là hạnh phúc hay bạn mới biết thế nào là hạnh phúc?
Thông tin, vốn chỉ là một sự thật đã bị chia chẻ và làm cho xơ xác. Bản thân nó vốn vô nghĩa nếu như không có Bản thể Linh Giác đặt vào. Thế nên, nguyên tử này, tạo vật này, vũ trụ này… hoàn toàn là vô tri, vô giác, không có thông tin, không có sự biết, không hiện hữu, không có thật. Chỉ có chúng ta – Bản thể Linh Giác – Cội nguồn của mọi ý nghĩa và giá trị – đã đặt vào chúng – chuyển dịch thành chúng, làm cho chúng trở nên có ý nghĩa trong ta, tồn tại trong ta, hiện hữu trong ta mà thôi.
Thế nào là Biết? – Biết là chính Ta – Thứ duy nhất thực sự hiện hữu/ tồn tại và cho phép những trạng thái khác của chính ta hiện hữu/ tồn tại trong ta. Nên, khi ta Biết một điều, thì ta đã phải là chính điều ấy.
Đức Thích Ca Biết khắp tất cả vì Thân của Ngài đã bao trùm Pháp Giới, là chính các Pháp ấy mà không chỉ là các Pháp ấy. Còn Sokrates thì đã nhận ra rằng “Tôi chỉ Biết chắc một điều là tôi không hề Biết gì cả”.
Những ai không tự biết mình, mình không tự biết, thì càng có nhiều thông tin càng trở nên tăm tối, mê vọng.