VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI CÒN TỰ TI

  • Lương Hạnh Ngân |
  • 31-10-2019 |
  • Cuộc sống ,

Cái Tự tin thực sự là
Tự mình Tin mình.
Phải Thực Biết
Mình Là Gì?” thì mới có thể
Tự Mình -> Tin Mình.

Quá trình “thực biết Mình là gì” sẽ tương đối dài và khó khăn. Quá trình này sẽ cần rất nhiều thứ: sự minh mẫn, sáng suốt, quyết tâm, nỗ lực, dám buông bỏ… Đặc biệt là cần sự chỉ dẫn.

     Sự chỉ dẫn đôi khi là thông qua lời truyền dạy của các vị Phật, Chúa, Thánh nhân, Cổ nhân, những bậc tiền bối (thông qua sách vở, châm ngôn, danh ngôn…)… hoặc thông qua sự dẫn dắt của Những Bậc Thầy – Những người đã thực sự chứng nghiệm… hoặc thông qua kinh nghiệm của những người đã từng trải… hoặc thông qua chính những bài học trong cuộc sống… hoặc thông qua Sự chỉ dẫn trong chính mỗi chúng ta!
    Thời nay, vì nhiều lý do mà những sự truyền dạy của các vị Phật, Chúa, Thánh nhân, Cổ nhân đã bị mai một, người ta không còn cơ hội để tiếp cận với cái Gốc nữa (Thời Mạt Pháp)… Cũng không có mấy Những Bậc Thầy thực sự chứng nghiệm sự thật dẫn dắt chúng ta… mà đa phần là những người chưa đi được đến đích nhưng có chút trải nghiệm cá nhân đứng lên hô hào, quy tụ, hướng dẫn những người đi theo thực hành theo phương pháp của họ…
    Còn con người thời nay thì sao? Một bộ phận không nhỏ là thiếu minh mẫn; thiếu sáng suốt; thiếu kiên nhẫn; thiếu quyết tâm; hời hợt; nông nổi; tham ái; sân hận; si mê; chấp kiến; ích kỷ; yêu bản ngã… Quá trình để “thực biết Mình là gì” đối với những người này thật dài và trắc trở!

Hành trình để “thực biết Mình là gì” gặp KHÓ KHĂN LỚN NHẤT ở đâu?

 Khó khăn lớn nhất là dẹp bỏ bản ngã sang một bên để có thể trở nên minh mẫn, sáng suốt, không bị bám chấp vào hình tướng, vào những thứ vô thường; để Tâm rộng mở đón nhận, để học hỏi được nhiều hơn, để dễ dàng thâu nhiếp những tâm tính tốt và chuyển hóa được những tâm tật xấu v.v…

Thế nhưng,
việc Dẹp Bỏ Bản Ngã
Cực Kỳ Khó
đối với nhiều người.
Vì còn chưa thực sự biết
“Mình là gì?”;
Dẹp Bỏ Bản Ngã thì biết bám vào đâu???

    Đặc biệt, là những người chưa thực sự biết mình là gì nhưng lại chấp mình là bản ngã thì cái tâm bị đóng chặt; ra sức tự vệ bản ngã; ra sức bảo vệ cho những điều mà họ đang NGHĨ – TIN – TƯỞNG là đúng!
    Lại có những người nhận ra mình đang Chấp Ngã (hoặc cũng có thể là được người khác chỉ cho) nhưng không sẵn sàng, không đủ dũng khí, không dám dẹp bỏ bản ngã của mình sang một bên mà vẫn ra sức củng cố, bảo vệ cho bản ngã yếu ớt, nhỏ hẹp. Những người này ta gọi họ là Cố Chấp!
    Càng Cố Chấp thì Bản Tâm trong sáng ngày càng bị che mờ, càng trở nên si mê, trí tuệ thui chột!!!

Trong phạm vi bài viết này, sẽ KHÔNG ĐỀ CẬP đến tuýp người vừa tự ti, vừa cố chấp!

(Tuýp này rất khó để tiếp cận chánh pháp hoặc chánh pháp trước mắt họ cũng không bước vào!)

Người_Tự_Ti (Chấp vào bản ngã nhỏ hẹp) nhưng không cố chấp thì sao?

     Như dẫn giải từ đầu: “Những người tự ti là những người chưa thực sự tìm được những lý do hay minh chứng để tự tin!”
     Có một mối liên hệ mật thiết giữa Tự Ti và Bản Ngã. Hồi nhỏ, vì không có đủ các yếu tố cần thiết để mưu cầu sự tự tin nên dần trở nên tự ti. Khi càng Tự ti thì Bản Ngã lại càng yếu ớt!
     Người tự ti là những người vừa chưa thực biết mình là gì; lại vừa chấp bản ngã nhỏ hẹp nên những người này lúc nào cũng thấy mình yếu; thiếu; kém đủ thứ!!! Bản Ngã của những người tự ti vô cùng mong manh, dễ vỡ (giống như thủy tinh) và đặc biệt dễ bị tổn thương!
    Thế nhưng, điều đó thì có liên quan gì ở đây???
  • Như vừa nêu ở trên, Hành trình để “Thực Biết Mình Là Gì?” gặp Khó khăn lớn nhất ở Khâu Dẹp Bỏ Bản Ngã sang một bên để có thể trở nên minh mẫn, sáng suốt, không bị bám chấp vào hình tướng, vào những thứ vô thường; để Tâm rộng mở đón nhận, để học hỏi được nhiều hơn, để dễ dàng thâu nhiếp những tâm tính tốt và chuyển hóa được những tâm tật xấu v.v…
  • Những người tự ti càng nhiều thì Bản Ngã của họ lại càng yếu ớt, càng mong manh, dễ vỡ, dễ bị tổn thương… Đến đây có vài khả năng xảy ra:
  • TH1: Vì biết mình Tự ti mà cố gắng núp mình, ẩn mình trong một môi trường, phạm vi nhỏ hẹp, an toàn để tránh bị va đập, đứt gãy, tránh bị tổn thương. Bản thân họ không có nhiều mong muốn thay đổi, không có đủ năng lựcnỗi sợ quá lớn nên cũng không thiết tha việc thay đổi môi trường họ đang ở để bước ra học hỏi, tiến bộ, tăng trưởng (Tuýp người này xin được gác qua một bên, không đề cập tới trong phạm vi bài viết này).
  • TH2: Người tự ti nhưng bị dòng đời xô đẩy, rơi vào môi trường của những người giàu có năng lực, phẩm chất, mạnh mẽ, nhiều kĩ năng… Những người tự ti trong trường hợp này Bản Ngã của họ sẽ dễ bị vỡ vụn, bị đứt gãy, bị loại trừ… bởi những va đập mạnh, bởi những tương tác mà họ ở thế yếu… khi đối diện với những Bản Ngã to lớn, vững vàng, hùng mạnh hơn… Trong trường hợp này, họ có hai khả năng lựa chọn: một là tìm về một môi trường an toàn cho họ như ở TH1 (a); hai là mạnh mẽ vượt qua, học hỏi để thực sự thay đổi, để tiến bộ, để lớn mạnh, để tự tin hơn (b).
  • TH3: Những người Tự ti nhưng có mong muốn, khát khao thay đổi bản thân. Chính mong muốn, khát khao ấy khiến họ buộc phải thay đổi môi trường để có thể học hỏi, để có thể tăng trưởng. Họ buộc phải bước qua nỗi sợ hãi, dẹp bỏ bản ngã nhỏ hẹp cũ để mưu cầu cho mình những điều vững vàng, chắc chắn, hùng mạnh hơn! Trường hợp này, vì chủ động từ bên trong nên cũng ít bị va đập, đứt gãy, ít bị tổn thương, ít đau khổ hơn trường hợp 2.
    Chính quá trình bị đứt gãy, vỡ vụn bản ngã cũ nhưng nỗ lực vượt qua (TH2 – b) hoặc chủ động mưu cầu Lớp vỏ mới (TH3) đã khiến cho Người tự ti gia tăng được hai thứ: năng lực chấp nhận hoàn cảnh; và năng lực buông bỏ! Quá trình trên cứ lặp đi lặp lại cho đến khi họ mưu cầu được một Lớp vỏ Bản Ngã vững chắc, hùng mạnh hơn. Và vì họ đã quá quen với việc chấp nhận hoàn cảnh và buông bỏ rồi nên mặc dù có được Lớp vỏ Bản Ngã vững chắc, hùng mạnh hơn nhưng họ cũng không chấp ngã nặng– KHÔNG CỐ CHẤP!

Như vậy, những người xuất phát điểm từ sự tự ti mà thực sự đi lên được thì họ không chấp ngã nặng. Họ sẵn sàng dẹp bỏ được bản ngã cũ để mưu cầu một cái đúng đắn; vững vàng; chân thật hơn!

Đến đây, Ta có thể thấy
cánh cửa để bước vào hành trình tìm kiếm bản chất thực sự
Mình Là Gì vô cùng rộng mở
đối với những người
có xuất phát điểm là Tự ti.

Người Tự ti chỉ đơn giản là vì họ không thực sự thấy sự kỳ diệu ở chính mình!

Người Tự ti dễ dàng học hỏi từ mọi người, dễ dàng coi mọi người đều cao hơn mình, dễ dàng nhận bất kỳ ai làm thầy!

Người Tự ti dễ dàng dẹp bỏ bản ngã đang là
sang một bên để mưu cầu cái mới khi họ thấy một thứ đúng đắn hơn;
Mạnh mẽ hơn;
Vững vàng hơn;
Chân lý hơn…

Người Tự ti ơi, chỉ gần gạt bỏ Nỗi sợ, Lo lắng, Nhút nhát… sang một bên thôi.
Cánh cửa đang thực sự rộng mở
Cứ đi là sẽ tới!
Cứ Hành là sẽ Thấy!

Sự Tự Tin Thực Sự sẽ đến ngay sau khi Thực Biết
Mình Là Gì!

Viết cho những ai đã nhìn thấy Chánh Pháp trước mắt mà còn Tự ti, còn chưa dám bước vào để thực sự biết mình là gì!!!
Tác giả: Bích Liên